DANH TÁC -“La Campanella”
Đăng ngày 09-08-2020Khi nhắc đến cái tên “La Campanella” (tiếng Ý, nghĩa là chiếc chuông nhỏ), người ta thường nghĩ đến hai tác phẩm của thời kỳ Lãng mạn, bản violin concerto số 2 của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ violin xuất sắc Niccolò Paganini (1782 –1840) và khúc etude piano số 3 trong tập tác phẩm Grandes études de Paganini (“Grand Paganini Études”) của nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano xuất sắc Franz Liszt (1811 - 1886).
Trong mục Danh Tác tuần này, Calla Acoustics sẽ giới thiệu với bạn đọc tác phẩm thứ hai, “La Campanella” của Franz Liszt. Paganini và Franz Liszt đều là những nghệ sỹ trình diễn đặc biệt xuất sắc không chỉ ở thời đại của mình mà còn được lưu tên trong danh sách nghệ sỹ biểu diễn mọi thời đại. Họ được khán giả ngưỡng mộ bởi kỹ thuật chơi đàn điêu luyện, khả năng biểu cảm lớn lao và sức hấp dẫn phi thường. Do đó, những tác phẩm mà họ sáng tác cũng mang dấu ấn đậm nét này, điều không phải nhà soạn nhạc nào cũng có được. Trong thâm tâm, Liszt luôn ngưỡng mộ Paganini và coi đó là một trong những hình mẫu hoàn hảo về một nghệ sỹ, một phong cách biểu diễn hiếm có, một cá tính độc đáo mà mình cần học tập. Vì vậy, bản violin concerto số 2 cung Si thứ mà vị nghệ sỹ violin bậc thầy người Italia viết vào năm 1826, đã gieo những ý tưởng sáng tác mới mẻ trong tâm trí Liszt, đặc biệt là chương ba viết dưới hình thức Rondo miêu tả những tiếng chuông lanh lảnh với phần nhấn mạnh và có phần lấn lướt của cây đàn violin trước dàn nhạc.
“La Campanella” ám ảnh Liszt đến độ, năm 1838, ông đã dựa trên giai điệu này để sáng tác một etude (một đoạn khí nhạc được viết mới mục đích ban đầu là để luyện kỹ thuật chơi đàn nhưng sau được Chopin, Liszt, Schumann... phát triển thành một thể loại thính phòng độc lập), tác phẩm mang tên “Études d'exécution transcendente d'après Paganini”. 13 năm sau, khi kỹ thuật sáng tác và trình độ biểu diễn đã bước vào giai đoạn nở rộ, một lần nữa, Liszt trở lại với “La Campanella” và đưa nó thành etude số 3 trong tập 6 Grandes études de Paganini (Grand Paganini Études). Đây cũng chính là “La Campanella” mà chúng ta biết đến ngày nay.
Với độ dài chừng 5 phút, “La Campanella” là một tác phẩm viết cho piano độc tấu đẹp sáng chói và huy hoàng. Dù nhắc lại được giai điệu chính mà Pagannini đã sáng tác nhưng “La Campanella” không phải là bản sao của nghệ sỹ violin bậc thầy này, nó đích thực mang dấu ấn của Liszt, một nghệ sỹ piano với ngón đàn trưng trổ khiến người nghe phải lóa mắt. Liszt đã mô phỏng những tiếng chuông khác nhau bằng nhiều kỹ thuật đặc biệt của mình, với những quãng rộng cách nhau hơn một octave (quãng tám) ở tay phải. Bên cạnh đó, Liszt còn thách thức các nghệ sỹ biểu diễn bằng việc để khoảng thời gian cho bàn tay chuyển động trên phím đàn xuống thấp đến mức khiến họ phải căng hết cơ cũng chưa chắc đã đạt yêu cầu. Vì vậy, ở thời đại ngày nay, khi kỹ thuật chơi đàn đã đạt tới mức cao hơn với thời của Liszt thì không phải pianist nào cũng đủ tự tin biểu diễn “La Campanella” trực tiếp trên sân khấu.